Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Công ty cổ phần giấy Lửa Việt : Lằng nhằng trong việc khắc phục ô nhiễm

Công ty CP Giấy Lửa Việt ngụ tại thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ đang trở thành 1 điểm đen gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng trong 1 thời gian dài , hiện công ty vẫn chưa có giải pháp triển khai xử lý triệt để ô nhiễm gây ảnh hưởng tới môi trường và sự bức xúc của người dân.

Ô nhiễm hơn 10 năm vẫn không khắc phục!

Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt (công ty) là một trong các đơn vị sản xuất phải thực hiện triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định này, công ty phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải, khí thải trong giai đoạn 2003 – 2006. Tới nay, đã hơn 10 năm trôi qua nhưng công ty vẫn không thực hiện nghiêm túc và hoàn thành nhiệm vụ theo quyết định của Thủ tướng, mặt khác hoạt động sản xuất của công ty vẫn gây ra những ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân sống xung quanh.

Một thời gian dài Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt trong quá trình sản xuất đã xả nước thải không xử lý trực tiếp ra sông. Còn tại khu dân cư, hoạt động sản xuất của công ty cũng làm phát thải khói bụi quá nhiều có những lúc thành sương mù nặng, đặc biệt là máy nghiền gỗ hoạt động liên tục đến 10h đêm phát ra tiếng ồn quá lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe của người dân. Tình trạng này khiến một số hộ dân tại Khu dân cư số 9, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ bức xúc.


Đường vào xưởng sản xuất ngổn ngang các loại chất thải. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Liên quan tới vấn đề này, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh, kiểm tra và tại Văn bản số 226/KLKTr – TCMT ngày 16/3/2015 do Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký ban hành về kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt cho thấy, lượng nước công ty phục vụ sản xuất là 40 m3/ngày đêm được khai thác từ nguồn nước mặt tại khu vực Đầm Ao Châu. Tuy nhiên công ty chưa có giấy phép khai thác nước mặt và giấy phép xả thải vào nguồn nước. Điều này đồng nghĩa với việc bao nhiêu năm qua, công ty đã thực hiện hành vi khai thác và xả thải trái phép với quy định.

Cũng tại văn bản này cho biết, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty chưa hoàn thiện đầy đủ. Công ty đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt Báo cáo dtm tại Quyết định số 2018/QĐ ngày 8 tháng 7 năm 2003, triển khai thay đổi công nghệ, nâng cấp máy móc, thiết bị, công trình xử lý chất thải… nhưng chưa thực hiện điều chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện chương trình giám sát môi trường 1 lần vào tháng 9/2014, không đầy đủ về tần suất quan trắc theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Nước thải của công ty được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng chìm, điều chỉnh pH, với công suất 60 m3/ngày không đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt về công suất và quy trình công nghệ là 3.460 m3/ngày; nước thải phải đi qua song chắn rác tới bể điều hòa, bể lắng bộ, bể đông keo tụ, bể lắng đứng, bể aroten, bể tiêu hủy bùn. Ngoài ra công ty còn chưa hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh lượng chất thải nguy hại theo yêu cầu của Sở TN&MT Phú Thọ.

Căn cứ vào các vi phạm hành chính của công ty, Tổng cục tưởng Tổng cục Môi trường đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 188/QĐ – XPVPHC ngày 16/2/2015 lên tới 200 triệu đồng và buộc công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong 06 tháng.

Phớt lờ pháp luật đến bao giờ?

Để làm rõ những kiến nghị của người dân và việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt, ngày 23/4/2015 Sở TN&MT Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Hạ Hòa, UBND thị trấn Hạ Hòa tiến hành kiểm tra thực địa tại công ty. Tại thời điểm đoàn kiểm tra, công ty đang hoạt động bình thường và vẫn chưa khắc phục những lỗi vi phạm như kết luận của Tổng cục Môi trường. Qua kiểm tra, đoàn cũng xác định việc phát tán bụi thải, khu vực có chứa mùn dăm gỗ đã có mái che nhưng chưa có che chắn xung quanh. Công ty chưa hoàn thành các quy trình xử lý môi trường, chưa có giấy xác nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý môi trường đã đi vào hoạt động sản xuất. Thực tế tại nơi sản xuất cũng cho thấy ,xưởng sản xuất xeo số 8 nước thải chưa được thu gom triệt để, vẫn thải trực tiếp ra môi trường, việc xử lý khói bụi và tiếng ồn vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, việc thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa đúng theo quy định, vệ sinh công nghiệp chưa đảm bảo theo quy định.

Để tìm hiểu cụ thể công tác khắc phục ô nhiễm từ phía Công ty, phóng viên đã liên hệ trực tiếp với đơn vị này nhưng không nhận được sự hợp tác. Đại diện của công ty là bà Nguyễn Thị Hải Anh, người được ủy quyền tiếp phóng viên đã ngăn cản, không cho phóng viên vào trong xưởng sản xuất vì lý do…an toàn. Tuy nhiên, công ty vẫn đang tiến hành các hoạt động sản xuất ngay phía ngoài cổng. Khói bụi và tiếng ồn vẫn phát ra tại khu vực gần dân cư. Khu vực chứa mùn dăm gỗ theo yêu cầu cần che chắn xung quanh nhưng chưa được công ty thực hiện. Tại sân khu vực ngay cổng vào tại xưởng sản xuất việc thu gom chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại vẫn còn ngổn ngang chưa đúng quy định.

Đặc biệt, theo phản ánh của Sở TNMT, việc nộp phạt theo văn bản kết luận của Tổng cục Môi trường là 200 triệu đồng hiện công ty vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Ngoài ra theo điều tra của phóng viên, còn một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý của công ty này chảy qua hệ thống cống ngầm ra địa phận dân cư thuộc thị trấn Hạ Hòa gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và môi trường.

Như vậy, Trong thời gian dài Công ty Cổ phần Giấy Lửa Việt đã không thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong giai đoạn 2003 – 2006 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 64/2003/QĐ -TTg và hoàn thành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Không những thế phía công ty tiếp tục hoạt động và có hành vi xả thải nước thải, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân thị trấn Hạ Hòa. Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ cần thực hiện biện pháp quyết liệt hơn nữa đối với cơ sở gây ô nhiễm quá lâu này.

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Dự án xử lý ô nhiễm ở làng nghề đúc đồng xã Đại Bái được phê duyệt

Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái vừa được ủy ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt.

Sản xuất tranh đồng tại làng nghề Đại Bái



Quy mô đầu tư và giải pháp xây dựng gồm: Xây dựng 2 khu xử lý nước thải,chất thải sản xuất và sinh hoạt tại 2 vị trí (dự kiến, khu I tại cụm công nghiệp làng nghề, khu II tại thôn Ngoài và thôn Tây Giữa), công suất mỗi khu từ 900-1.000 m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn nước thải (cột A); Hệ thống xử lý rác thải, chất thải sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 5 tấn/ngày đêm; Lắp đặt thử nghiệm hệ thống xử lý khí thải tại một số hộ làm nghề sản xuất…

Dự án do UBND huyện Gia Bình làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2016. Tổng mức đầu tư dự án hơn 52 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp tài nguyên môi trường được giao hàng năm và các nguồn vốn khác.

Dự án nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường (nước thải, rác thải, khí thải) làng nghề đúc đồng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống người dân xã Đại Bái.