Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã làm tốt chức năng của mình ?

Hiện nay có rất nhiều thể loại báo cáo đánh giá tác động môi trường với chất lượng kém, chỉ số không thực tế va nhiều khi vô lý vẫn được phê duyệt 1 cách đều đều. Lỗi do ai , do doanh nghiệp kém ý thức không quan tâm đến tương lai và thế hệ con chau hay chỉ vì lợi nhuận, do các cơ quan chức năng vô trách nhiệm chỉ cần đút chút tiền là được thông qua mà không gặp trở ngại nào.

Động đất xảy ra liên tiếp quanh thủy điện Sông Tranh 2, nhất là trận có cường độ 4,6 độ richter tối 22.10.2012, đã gây hoang mang lo sợ cho dân cư và chính quyền địa phương cũng như cho cả nước.

Dư luận ồn ào về chất lượng báo cáo ĐTM của chủ đầu tư (EVN) vì đã “sao chép cẩu thả” nội dung đánh giá động đất kích thích từ các báo cáo học thuật của những người khác. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải chịu trách nhiệm khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường này.

Bộ đã phải giải thích. Theo ông Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường: 1) Việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của EVN khẳng định “công trình thủy điện Sông Tranh 2 không gây ra động đất kích thích” là trách nhiệm của EVN (lỗi của chủ đầu tư); 2) Quy định của khoản 3 và khoản 4, Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành luật không có quy định “cụ thể” về báo cáo phải có nội dung đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích. Vì thế, việc đánh giá khả năng xảy ra động đất kích thích không phải là nhiệm vụ của báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ không có lỗi và EVN cũng chỉ có sơ sót. Hãy xem nguyên văn khoản 3 của Điều 20 mà ông cục trưởng viện đến: “Đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện và các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế - xã hội chịu tác động của dự án; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra”. Không thể vin vào cớ không có quy định “cụ thể” để lẩn trách nhiệm!

Rồi dư luận lại hết sức ngạc nhiên về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Báo cáo thứ nhất mà chủ đầu tư- Tập đoàn Đức Long Gia Lai- thuê Viện Quy hoạch thủy lợi thực hiện cũng bị phát hiện là đã “sao chép cẩu thả” từ các tài liệu khác. Chủ đầu tư phải thuê đơn vị thứ hai- Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM)- làm báo cáo khác. Báo cáo mới này được cho là kỳ lạ vì “những tác động tiêu cực” được coi là nhỏ- mất 137ha rừng so với tổng diện tích 71.000ha của Vườn quốc gia Cát Tiên, được báo cáo này cho là không đáng kể (trong khi mất từ 50ha trở lên phải có quyết định của Quốc hội); nước ngập ở vườn quốc gia tạo “điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn” cho cây cối. Đúng là ngược đời.

Còn có thể nêu ra bao nhiêu thí dụ nữa về chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường của hàng ngàn, hàng vạn dự án khác; chắc hẳn chất lượng cũng “cao” như của hai thí dụ điển hình trên. Có lý do đơn giản, rất dễ hiểu về hiện tượng này.

Có lẽ đấy chính là (Điều 18) của Luật Bảo vệ môi trường quy định các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với các dự án phải lập báo cáo). Các chủ đầu tư có thể tự mình hay thuê tổ chức tư vấn lập làm báo cáo. Điều quan trọng nhất là chủ đầu tư phải bỏ tiền ra làm hay thuê tổ chức khác làm báo cáo ĐTM.

Lợi ích của chủ đầu tư là dự án của mình được chấp thuận, và chủ đầu tư có động lực mạnh mẽ để đánh giá thấp các tác động có hại về môi trường (có thể gọi đấy là ''khuyến khích ngược'').

Chủ đầu tư nào cũng vậy, dẫu là doanh nghiệp nhà nước như EVN hay doanh nghiệp tư nhân như Đức Long Gia Lai trong hai thí dụ trên. Cũng không nên trách họ, mà phải đối mặt với thực tế này và đề ra các quy định khiến cho các lợi ích và động lực ấy của chủ đầu tư không thể ảnh hưởng (hay ảnh hưởng ít nhất) đến chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường, để cho báo cáo thật sự khách quan và trung thực. Đấy là nhiệm vụ của các nhà lập pháp.

Khi lợi ích và động lực của chủ đầu tư đã thế và họ phải bỏ tiền ra tổ chức làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, thì hỏi có tư vấn nào lại đi ngược với mong muốn của người bỏ tiền ra thuê mình. Đấy là thực tế, dẫu có hô hào sự khách quan trung thực đến đâu (dẫu có buộc họ phải “chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường”) cũng khó cưỡng lại động lực và lợi ích. Do đó, cần đối mặt và giảm bớt ảnh hưởng của nó. Đáng tiếc Luật Môi trường không chú ý đúng đến thực tế này. Tuy có việc thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 22), có sự phản hồi của những người bị ảnh hưởng và có trách nhiệm thực hiện và kiểm tra các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 23), nhưng tách được ''khuyến khích ngược'' của chủ đầu tư càng nhiều càng tốt.

Nếu tổ chức làm báo cáo đánh giá tác động môi trường hoàn toàn độc lập (nhất là về tài chính) với chủ đầu tư thì có thể tối thiểu hóa được ảnh hưởng của các ''khuyến khích ngược'' đó và nâng cao chất lượng báo cáo.

Có lẽ luật phải buộc chủ đầu tư bỏ ra một tỉ lệ nào đó (thí dụ 0,1%) của tổng dự toán đầu tư vào một quỹ chung để chi cho việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và quỹ này cùng những người có thể bị tác động (hay các tổ chức đại diện của họ) đấu thầu tư vấn độc lập làm báo cáo ĐTM. Hoặc chí ít, để những người bị tác động (hay đại diện của họ) thuê tổ chức tư vấn làm một báo cáo đối chứng và cơ quan thẩm định sẽ xem xét cả hai báo cáo ĐTM. Luật phải cũng có quy định nghiêm cấm “sự tác động” của chủ đầu tư đến cơ quan thẩm định, các thành viên hội đồng thẩm định.

Nhìn nhận từ khía cạnh khuyến khích, lợi ích, từ các động lực như thế có thể giúp cơ quan lập pháp tạo ra (hay sửa đổi) các quy định luật hữu hiệu hơn nhiều.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét